Gió bão mạnh hơn trong tối nay, Hà Nội kêu gọi dân không ra đường

29/12/2024
|
0 lượt xem
Thời Sự
Gió bão mạnh hơn trong tối nay, Hà Nội kêu gọi dân không ra đường
Mới nhất Cũ nhất 17h10 Hà Nội vận hành tối đa trạm bơm Yên Sở để thoát nước

Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Quản lý đê điều về phòng chống thiên tai cho biết tại họp báo Chính phủ chiều 7/9, với lượng mưa ước tính 300 mmm trong một ngày thì các khu đô thị như Hà Nội, khu công nghiệp "nguy cơ cao sẽ ngập úng".

"Hiện Hà Nội đang vận hành tối đa trạm bơm Yên Sở để rút nước đi, khi mưa về có chỗ chứa", ông Luận cho hay.

Đồng thời, Cục đã chỉ đạo các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng bơm tiêu rút nước trên các kênh, mương, mặt ruộng. Hệ thống trạm bơm tiêu và công trình thủy lợi đã sẵn sàng vận hành tiêu úng để bảo vệ sản xuất lúa và hoa màu.

Ông Phạm Đức Luận. Ảnh: Nhật Bắc

Theo ông Luận, toàn bộ 500.000 ha lúa khu vực đồng bằng sông Hồng đang trổ đồng, nếu ngập úng lâu "sẽ gây thiệt hại rất lớn về sản xuất nông nghiệp".

Nói về thiệt hại do bão gây ra đến cuối giờ chiều nay, ông Luận cho biết có một người bị chết tại hải Dương do cây đổ; 5 tàu xi măng, 1 tàu gỗ nhỏ bị chìm tại Quảng Ninh; hơn 100 cây xanh bị đổ ở Quảng Ninh và Hải Phòng. Hiện nhà chức trách chưa thống kê được đầy đủ thiệt hại tại hai địa phương này.

16h55 Gió ở Hà Nội mạnh hơn từ 19h

Chiều 7/9, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, tâm bão Yagi đã vào đất liền từ 14h và gió bắt đầu yếu hơn. Những thiệt hại xảy ra tại hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng là "vào giai doạn cực đại của gió bão".

Tại Bãi Cháy, mức gió ghi nhận cao nhất là cấp 14, sau giảm còn cấp 8. "Xu hướng bão vào đất liền sẽ tiếp tục suy yếu", ông Lâm nói.

Tại Quảng Ninh, Hải Phòng, gió bão sẽ còn mạnh đến khoảng 19h chiều nay. Khu vực Thái Bình và Nam định, gió bão bắt đầu mạnh nhất lúc 16h và kéo dài đến 22h.

Ông Hoàng Phúc Lâm. Ảnh: Nhật Bắc

Tuy nhiên, ông Lâm cho biết, gió và mưa khiến nhiều cây đổ tại Hà Nội trong chiều nay "chưa phải là lúc bão mạnh nhất". "Từ 19h trở đi, gió bão tại Hà Nội sẽ mạnh hơn và kéo dài đến nửa đêm, khoảng 1h sáng hôm sau mới bắt đầu giảm", ông Lâm cho hay.

Về mưa do bão, ông Lâm nói các khu vực ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang mưa sẽ kéo dài hết đêm nay và giảm vào rạng sáng mai. Còn tại Hà Nội, mưa có thể kéo dài đến trưa mai. "Đến trưa mai, Hà Nội sẽ tương đối an toàn", ông Lâm nói.

Tại cuộc họp trước đó, ông Hoàng Đức Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, nhấn mạnh ngay sau khi tâm bão đi qua, sức gió sẽ giảm hoặc ngừng nhưng sau đó tăng trở lại trước khi giảm hẳn. Vì vậy, người dân phải hết sức cảnh giác, không được chủ quan, "về nhà ngay khi thấy hiện tượng gió giảm hoặc ngừng".

Đối với các khu vực trung du, vùng núi như Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình thì mưa sẽ muộn hơn, từ 19h hôm nay và sẽ kéo dài đến hết ngày mai, dẫn đến nguy cơ về lũ quét, sạt lở.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các cơ quan liên quan khắc phục nhanh sự cố lưới điện và thông tin liên lạc đang bị gián đoạn ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình... do bão.

16h45 Cây xà cừ cổ thụ bật gốc trong trường học     Gió lớn làm bật gốc cây lớn tại Hà Nội

Cây xà cừ đổ tại THPT Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai.

16h30 Trung tâm Hà Nội có thể ngập úng diện rộng

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia cho biết mặc dù đã vào đất liền hai tiếng nhưng bão Yagi vẫn giữ sức gió mạnh nhất 149 km/h, cấp 12-13, giật cấp 16. Trong ba giờ tới, bão đi ngang theo hướng tây với tốc độ 20 km/h.

Cơ quan khí tượng cảnh báo 3-6h tới, khu vực nội thành Hà Nội và các vùng lân cận tiếp tục có mưa lớn với lượng phổ biến 50-90 mm, có nơi trên 130 mm. Mưa lớn có khả năng khiến nhiều tuyến phố nội thành ngập 20-40 cm. Một số tuyến ngập sâu hơn 30-50 cm gồm: Thuỵ Khuê, Dương Quảng Hàm quận Tây Hồ; Huỳnh Thúc Kháng, Liễu Giai, Thành Công quận Ba Đình.

Người dân di chuyển ngoài đường phố Hà Nội trong bão Yagi chiều ngày 7.9 Ảnh: Hoàng Giang

Quận Hoàn Kiếm nguy cơ ngập các phố Phùng Hưng, Điện Biên Phủ, Tạ Hiện; quận Đống Đa là các phố Thái Hà, Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch, Kim Liên; quận Thanh Xuân là phố Lê Trọng Tấn, Tố Hữ, Nguyễn Trãi; quận Hai Bà Trưng các phố Nguyễn Khoái, Lạc Trung, Mạc Thị Bưởi; quận Cầu Giấy phố Hoàng Quốc Việt, Dương Đình Nghệ...

16h20 Một số khu dân cư Hà Nội mất điện

Cuối giờ chiều, một số khu dân cư bị mất điện như Đông Phương Yên (Chương Mỹ); Tây Mỗ (Nam Từ Liêm). Lo ngại mất điện diện rộng, nhiều người đã nấu cơm, tích trữ nước nóng từ sớm. Chị Thành Tâm (Tây Mỗ) chuẩn bị vo gạo thì bị cắt điện, cả nhà đành chuyển sang ăn mì tối nay.

Người dân đi lại khó khăn khi qua ngã tư Lê Văn Lương - Hoàng Đạo Thuý lúc 16h15 chiều 7/9. Ảnh: Võ Hải

16h15 Cây đổ chắn ngang một nửa đường Hoàng Quốc Việt 16h00 Gió thổi bay mái nhà công ty giày ở Thượng Đình, Thanh Xuân     Gió bốc mái tôn nhà xưởng bay xuống đường ở Hà Nội 15h55 Tòa nhà Công an Quận Nam Từ Liêm bị gió thổi tốc mái     Tòa nhà Công an Quận Nam Từ Liêm bị gió mạnh thổi tốc mái 15h45 Hà Nội tạm dừng metro, xe bus

Chiều nay, thành phố Hà Nội tạm dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng. Hai tuyến tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội dừng chạy từ 13h và xe bus dừng dần từ 15h. Thời gian hoạt động trở lại sẽ được thông báo dựa trên tình hình thực tế sau khi bão tan.

Metro Cát Linh - Hà Đông dừng hoạt động. Ảnh: Võ Hải

15h30 Gió bão tiếp tục mạnh lên trong tối nay

15h30, ngày 7/9, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung Tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia cho biết, bão hiện cách Hà Nội khoảng 200 km nhưng do hoàn lưu rộng nên từ đầu giờ chiều nay đã ghi nhận gió mạnh cấp 4-5, giật cấp 6-7.

Từ giờ đến đêm nay, khi tâm bão càng gần thì dự báo sức gió mạnh nhất ở Hà Nội càng tăng, có thể mạnh cấp 6-7, giật cấp 9-10.

"Những giờ qua có thể thấy nhiều cây cối ở địa bàn Hà Nội bật gốc, với mức gió tăng như trên thì tình trạng này vẫn có thể tiếp diễn", ông Hưởng nói, khuyến cáo trong 12h tới người dân Hà Nội không nên ra khỏi nhà và thời tiết thủ đô chỉ trở lại bình thường từ sáng mai.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết lúc 14h tâm bão vẫn trên vùng bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng, sức gió giảm còn cấp 12-13, tối đa 149 km/h, giật cấp 16.

Hai tiếng trước, bão vào đảo Bạch Long Vĩ gây gió cấp 13, giật 14; Cô Tô cấp 13, giật 16. Đất liền của Quảng Ninh như Tiên Yên gió mạnh cấp 9, Đầm Hà cấp 10; Phù Liễn của Hải Phòng gió cấp 7, Đông Xuyên cấp 9.

Bão giữ hướng tây tây bắc, tốc độ 15-20 km/h, sức gió cấp 10-12, giật cấp 14-15 khi tiến sâu vào đất liền sẽ tiếp tục gây gió mạnh cấp 9-11 ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định. Khu vực các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hưng Yên gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11-12.

Dự báo hướng đi và vùng ảnh hưởng bão Yagi, chiều 7/9. Ảnh: NCHMF

Đổ bộ vào Quảng Ninh 12-13h hôm nay, bão Yagi đã gây gió mạnh cấp 14, sức gió tối đa 166 km/h, giật cấp 17, tiến sâu vào Đông Bắc Bộ với cường độ 12-13.

Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa từ chiều đến hết đêm nay mưa phổ biến 100-250 mm, có nơi trên 400 mm. Ngày và đêm mai mưa 20-60 mm, có nơi trên 150 mm, riêng vùng núi 60-120 mm, có nơi trên 250 mm.

Phía Tây Bắc Bộ từ nay đến ngày 9/9 mưa 100-300 mm, có nơi trên 450 mm. Hà Nội mưa trong hai ngày 8-9/9 khoảng 200-400 mm.

Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cho biết đến 13h, tại Quảng Ninh, Hải Phòng, bão Yagi đã làm 5 tàu xi măng, một tàu gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu; 146 cây xanh bị đổ. Lưới điện gặp sự cố và để đảm bảo an toàn, toàn bộ Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình đang mất điện.

Được hình thành ngày 1/9 từ vùng áp thấp nhiệt đới ở phía đông của Phillippines, bão Yagi vào Biển Đông rạng sáng 3/9, trở thành cơn bão thứ ba trên vùng biển này. Lúc mới vào bão chỉ cấp 8, sức gió tối đa 74 km/h, nhưng đến ngày 5/9 đã tăng 8 cấp thành siêu bão và duy trì sức mạnh cho tới đêm qua.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, đánh giá Yagi có cường độ mạnh nhất trong khoảng 30 năm gần đây hoạt động trên Biển Đông.

Có 3 nội dung mới cập nhật
Tin liên quan
Tin Nổi bật